Những lúc trời mưa, ngồi trong nhà nghe nhạc, hay mở TV, thi thoảng tôi lại nhớ đến chiếc máy cassette của cô Ánh. Và dù cách xa hàng nghìn cây số, những kỷ niệm và suy ngẫm về cuộc đời của cô Ánh vẫn theo đó mà được khơi lên trong tôi.
Thời điện thoại thông minh còn chưa xuất hiện, máy tính xách tay có giá cả gia tài, các cô giáo dạy tiếng Anh ai cũng có một chiếc máy cassette để chạy băng Audio cho phần luyện nghe của bất cứ giáo trình nào. Hồi ấy, đĩa CD bắt đầu phổ biến, giáo trình "Connect" cô Ánh dạy nâng cấp từ băng lên đĩa, thế là cô Ánh tôi cũng buộc phải sắm một chiếc máy mới xịn xò - máy cassette màu bạc sang trọng của Sony, có các đường nét viền xanh trông thật thuận mắt, vừa chạy được băng cassette, rà được đài FM, mà còn chạy được đĩa CD. Tôi nghĩ đó là cái máy cassette đắt tiền nhất trong sự nghiệp giáo viên của cô tôi, khác với các máy đời cũ loại bình thường, âm thanh sao mà trầm ấm, ngân vang, mà lại rất rõ và sáng. Cũng vì thế mà cô Ánh rất cưng và quý "đứa con" này.
Khi những cơn mưa mùa hè trút xuống con đường đến Trung Tâm Giáo Dục Thường xuyên, tôi được giao nhiệm vụ giữ khư khư cái máy, cô ngồi trước, tôi ngồi sau, áo mưa phủ lên đầu, trong khi cô chạy xe, tôi ôm cái máy và bằng mọi giá phải đảm bảo không một giọt nước nào được rơi vào thân và loa của nó.
Ngồi trong lớp, cô cậu học trò im phăng phắc, chỉ có tiếng mưa rả rích rơi làm nền cho giọng rền vang của một "ông chú người Mỹ không quen biết" dẫn chúng tôi qua hết những đoạn hội thoại thú vị giữa những người tứ phương đến những miêu tả kỳ thú về những nơi chốn xa xăm. Ở một góc lớp học nhỏ, ở một thị xã cũng rất nhỏ, cô giáo và chiếc máy cassette kia đâu biết, những âm thanh phát ra từ chiếc máy cassette tưởng như vô tri đã khơi gợi trong lòng cô cậu học trò tuổi mới lớn biết bao nhiêu là ý tưởng, hình ảnh và câu chuyện về những chân trời mà chúng tôi còn chưa biết tên.
Sau này tôi mới biết, dạy tiếng Anh không phải là đam mê của cô Ánh. Thật vậy sao? Không phải đam mê, mà trưa nào sau ca làm ở phòng mạch, về nhà khi nấu nướng và ăn cơm xong, cô Ánh cũng dành giờ nghỉ quý giá để cần mẫn soạn bài, khi thì buổi trưa, khi thì buổi tối. Không phải đam mê, mà ngày nắng cũng như ngày mưa, dù có bất kỳ một sự kiện gì diễn ra, cô Ánh không bao giờ bỏ một buổi dạy ở trung tâm. Không phải đam mê, mà cô Ánh trăn trở từng đứa học trò trong lớp, tất tả soạn đề thi, thức đêm chấm bài, trong lớp có bao nhiêu đứa, cô Ánh biết đứa này dở cái gì, giỏi cái gì, cần cải thiện cái gì. Cô dành thời gian sửa bài cho thằng Lương - vốn thông minh nhưng mà hấp tấp, kiên nhẫn để thằng Tuý, thằng Bảo (Thằng Tuý, thằng Bảo là hai anh em sinh đôi bằng tuổi tôi, học cùng trường Kim Đồng. Tính tình tụi nó lầm lỳ, cả ngày không mở miệng nói một chữ, mà mở miệng ra là chửi thề. Tụi nó là cặp giang hồ có tiếng trong trường, tuần nào cũng đánh nhau với lên cột cờ. Vậy mà trước sự nghiêm trang của cô Ánh tôi, tụi nó im re, hiền khô, bẽn lẽn như ma sơ. Cũng nhờ hai anh em tụi nó học lớp cô Ánh mà tôi không bị hai tụi nó bỏ ra "quánh" cái tội dám ghi tên tụi nó vô sổ sao đỏ - lý do: đi học trễ, chửi thề, đi dép lê đi học, mặc đồng phục bỏ áo ngoài quần... nhiều lần) mở miệng luyện nói đoạn hội thoại cho bằng được. (Đoạn hội thoại của người ta hỏi thăm về sức khoẻ và hỏi lịch trình sắp đi đâu nhưng hai anh em nó đọc xong thì nghe như hai kẻ thù sắp xông vào "xử đẹp" nhau - rất đáng lo ngại, cả lớp nghe xong đều sợ).
Từ những tháng năm ấy, và từ cô Ánh, tôi học được một bài học lớn về thái độ đối với công việc. Một khi đã chọn, hoặc đã được trao phó công việc nào thì phải làm một cách đàng hoàng, tử tế và cẩn trọng, với tinh thần trách nhiệm cao nhất - cho dù công việc ấy có phải hay không phải là đam mê. Ở vai trò nào, người vợ, người mẹ trong gia đình, một giáo viên, một dược tá, một nhà quản lý, và bây giờ là một thầy thuốc... dù đội lên chiếc mũ nào, cô Ánh cũng vẫn luôn giữ một thái độ cần lao và nghiêm túc như vậy.
Cô Ánh thường nói với tôi, cô chỉ là một người bình thường, không có gì quá giỏi giang hay tài ba cả. Có lẽ cô Ánh không tài ba, nhưng cô có thể dậy từ 5 giờ sáng, lo bữa sáng, rồi đưa hai đứa nhóc đi học, đi chợ mua đồ tươi, ra phòng mạch làm đến trưa, về nhà nấu nướng, lo cơm nước, soạn giáo án dạy học, rồi lại ra phòng mạch làm, xong đón Cát Anh đi học về, rồi lại vào trung tâm dạy học, tối lại về cơm nước cho chồng con, lo việc sổ sách cho công ty xây dựng của chú, dạy học cho hai em.
Làm như chưa đủ bận, cô Ánh lại còn thích làm bánh, những buổi trưa không phải soạn bài, không ngủ trưa, cô mày mò làm bánh giò, bánh tai vạc, bánh gối, bánh nậm... cho cả nhà ăn, trong khi Duy Anh bò lồm cồm xung quanh bi ba bi bô. Mà như vậy hình như vẫn chưa đủ tất bật, vì cuối tuần vẫn còn rảnh nên cô đăng ký học... Dược Sĩ đại học tại chức. Ở độ tuổi bốn mươi có lẻ, cô Ánh lụi cụi thức dậy lúc 4 giờ sáng thứ Bảy, bắt xe đi Biên Hoà để theo đuổi chương trình Dược Sĩ, thuê nhà ở lại rồi về vào tối muộn Chủ Nhật, trong 4 năm ròng rã không bỏ sót một buổi học nào.
Và hai mươi mấy năm đã trôi qua như vậy. Cát Anh giờ đã là thiếu nữ xinh đẹp, vào đại học và sẽ trở thành bác sĩ, thằng bé Duy Anh ốm yếu suy dinh dưỡng cứ ăn là ói ngày nào giờ đã cao to hơn ba Dũng, đã biết phụ mẹ nấu cơm, dọn nhà. Với sự khéo léo vun vén của cô, sự phấn đấu không ngừng nghỉ của chú, và rất nhiều ơn trên, từ căn nhà trọ ọp ẹp 20 mét vuông ếch nhái nhảy xung quanh, bây giờ cô chú tôi đã gây dựng nên một cơ ngơi khang trang, lộng lẫy không kém dinh cơ của bất kỳ tài phiệt nào. Ở độ tuổi năm mươi, giờ đây, cô Ánh tôi có thể thành thơi ra vườn dạo chơi, ngắm cá, làm bánh thâu đêm suốt sáng, nằm trên trảng cỏ nhìn bầu trời, đi du lịch cùng chú để khám phá thế giới, thưởng thức tất cả những sơn hào hải vị trên cuộc đời này, nhưng cô vẫn chọn làm việc - công việc mà cô thật sự đam mê.
Cô Ánh không cần lên TV, cũng không cần nổi tiếng, cô chỉ muốn làm một thầy thuốc bình dị, ở cái phòng thuốc nho nhỏ trên một con đường bình yên, ở thành phố Bà Rịa xinh xinh, hiền lành và duyên dáng. Nơi đó có những nhân viên gắn bó lâu năm cùng cô tôi, đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời, những người mà cô từ lâu đã xem như chị em trong nhà, đã chia nhau từng cái bánh, mớ rau, niềm vui, nỗi buồn. Nơi có lúc tràn ngập tiếng cười hào sảng mỗi khi công việc thảnh thơi, có lúc căng thẳng từ tiếng em bé la khóc đinh tai, từ những bầy hầy bãi nôn của trẻ con bị bệnh hoặc những réo gọi của những bà mẹ sốt ruột. Nơi có những phụ huynh lam lũ chạy xe máy nhiều chục cây số ở những vùng ven, ôm con đến với niềm tin con mình được chưa trị tử tế, được nhận thuốc tốt và được tư vấn nhiệt tình. Một nơi như vậy đấy, nơi cô Ánh tôi yêu thương và chọn để gắn bó gần như trọn cuộc đời đi làm của mình. Nơi đã cho cô Ánh nguồn cơn và động lực để theo đuổi ước mơ trở thành một thầy thuốc được đào tạo chỉn chu, bài bản.
Với tất cả tiền bạc và điều kiện có được trên thế gian này, cô Ánh tôi chỉ tìm được bình an và ý nghĩa đích thực của cuộc đời trong học tập, lao động và cống hiến. Và dù cô Ánh có nghĩ rằng mình không xinh đẹp, tài giỏi hay có tiếng tăm, đối với tôi cô thật vẹn toàn. Cô luôn làm những điều thật bình thường với một thái độ kiên định phi thường. Dù chẳng bao giờ dạy dỗ tôi bằng những từ đao to búa lớn, nhưng cuộc đời cô tôi, những gì cô đã trải qua và đạt được, là cả một bài học nhiều chương mà đến bây giờ tôi vẫn chưa ngừng học.
Bình lặng như một mạch nước ngầm, hiền hoà như bóng mát của những tán cây già trong buổi trưa nắng gắt, bền bỉ như người hành hương nơi sa mạc bỏng cháy, cô Ánh đã, đang và sẽ còn mang đến biết bao điều tốt đẹp và mát lành cho gia đình, cho bạn bè, cho đồng nghiệp và cho bệnh nhân.
Cuộc đời và thái độ sống của cô là nguồn cảm hứng cho tôi trong rất nhiều lựa chọn trên đường đời. Lúc tôi sắp thi đại học vô cùng căng thẳng, cô chỉ nói "Cứ làm hết sức mình, còn lại không có gì phải hối tiếc". Dù những tháng năm đại học đã qua từ lâu, câu nói đó của cô Ánh vẫn đi cùng tôi trên khắp nẻo xa gần, nó như một hành trang giúp tôi đứng vững những lúc thấy quanh mình đầy sóng gió. Tôi ước mong rằng, cô tôi luôn được mạnh mẽ và vững vàng, và luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc khi theo đuổi sứ mệnh mà mình đã chọn.
- Hết -
Comments
Post a Comment