Hóa Bướm

Chung cư tôi sống nằm ở Ngõ 1 của con đường nhộn nhịp nhất Bangkok. Vì Covid-19, con ngõ trở nên vắng lặng hẳn, không còn du khách tứ phương đổ về, không còn những bóng áo choàng, khăn trùm của các ông bà từ các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, khệ nệ ra vào bệnh viện Quốc Tế cạnh chung cư khám chữa bệnh. Các nhà hàng Ấn độ, nhà hàng Ý, quán cà phê và khách sạn khoác lên một vẻ buồn tủi và trầm tư. Trên những cánh cửa sắt, người ta dán chằng chịt số điện thoại cho thuê mặt bằng, những người mở cửa hàng buôn bán nhỏ như tiệm massage, bán giày dép, tiệm in ấn,… đã bỏ cuộc. Tháng 12 năm ngoái, dịch bệnh lắng xuống, khi ấy đã nghe con đường chầm chậm trở mình, le lói những niềm hy vọng. Người ta đi lại nhiều hơn, các cửa hàng thận trọng sửa sang và trang hoàng, chuẩn bị cho kỳ nghỉ giáng sinh sắp đến.

Quán nhỏ nằm trên hướng tôi đi làm, nên ngày nào tôi cũng đi qua lại 2 lần. Họ bán gỏi đu đủ (Somtum), thịt heo nướng (Moo Yang) ăn kèm với cơm nếp (Khao Niew) và lẩu nồi đất (Jimjum), cũng như hàng trăm quán ăn Esan lớn nhỏ ở Bangkok này, không khí toát lên từ cửa hàng luôn bình dân, ấm áp và vui tươi. Chị chủ cửa hàng là một người phụ nữ trẻ đầy sức sống, chắc vì để tạo điểm nhấn cho quán của mình, chị ăn mặc như một y tá bệnh viện và luôn lớn tiếng rao mỗi lần có khách đi qua. Tôi nhớ ngày khai trương, chị mở nhạc tưng bừng và bật đèn sáng trưng, giống như đang tổ chức một buổi tiệc nhỏ. Từ lúc thợ đến sửa sang cách đó mấy tuần, lòng tôi đã dâng lên một niềm vui nhẹ nhàng. Vì lịch trình bận rộn, tôi hay tự nhủ mình sẽ đến ủng hộ quán vào cuối tuần này. Thế nhưng tôi chưa kịp đến quán lần nào, thì dịch bệnh lại bùng phát ngay trước thềm năm mới.


Vì dịch bệnh, ai cũng thận trọng, đi đâu cũng không dám đứng gần nhau hay nhìn ngó nhau, và đương nhiên người ta cũng thận trọng với việc ăn uống bên ngoài. Phần vì sợ tập trung đông người, phần vì thói quen tiêu dùng thay đổi để làm quen với một nền kinh tế đi xuống trầm trọng, và tôi cũng không là ngoại lệ. Đó chẳng khác nào án tử cho các cửa hàng ăn uống, nhất là một cửa hàng mới mở được một tuần. Những buổi chiều khi đi làm về, ngang qua cửa hàng, tôi luôn liếc vào quầy hàng của chị, để đếm xem những que thịt, những nắm cơm, mớ đu đủ sáng nay mình thấy có vơi bớt đi chưa, để thấy có những nồi đất, chén bẩn nằm la liệt ở chỗ rửa chén hay không. Làm như là tôi sẽ cảm thấy nhẹ lòng nhiều lắm, nếu thấy có một sự thay đổi về số lượng, dù nhỏ nào, trên cái quầy hàng buồn tủi đó vậy. Đôi khi tôi muốn trở nên vô cảm, dù chỉ là một khoảnh khắc thôi, để không phải suy nghĩ, hay chạm vào những nỗi khổ của người khác, để không phải nghe tiếng chày giã vào chiếc cối trống rỗng, giòn tan và phấn khởi từ đôi tay thoăn thoắt khi chị chủ quán thấy tôi, hay bất cứ một con người nào bước lại gần từ đằng xa, để không phải mường tượng ra gương mặt thất vọng và tiếng thở dài rơi rớt xuống đường khi cái con người đó cứ lạnh lẽo đi qua mà không buồn ngoái nhìn dù chỉ một giây.

Có một đêm thứ Bảy nọ, ở trong nhà bức bối quá, tôi quyết định đi dạo một lúc. Đứng từ cổng, tôi đã thấy đèn hiệu cao áp màu cam chớp tắt chớp tắt từ xa, trông như có một tai nạn giao thông lớn đã xảy ra, hay là một công trường đang thi công, yêu cầu mọi người chú ý, kèm theo tiếng loa phóng thanh mà bạn cứ tưởng tượng như kiểu “Bánh mì sài gòn, một ngàn một ổ”, bằng tiếng Thái nhưng thống thiết hơn nhiều. Khi đến gần, tôi mới té ra là quầy hàng đó đã được trang bị đèn hiệu và loa phóng thanh để câu kéo sự chú ý của khách, tiếng chày thì vẫn không ngừng. Toàn bộ cảnh tượng và âm thanh đó, đến nay vẫn còn ám ảnh tôi...

Nó chẳng khác gì tiếng kêu cứu cuối cùng của một kẻ khốn cùng, đang hét lên với một sự cấp bách trong cơn thập tử “Cứu tôi với, có ai thấy tôi không? Có ai thấy tôi khổ không? Tôi đã cạn kiệt rồi, hôm nay tôi chưa bán được đồng nào hết, có ai giúp tôi không? Tôi phải làm gì để sống đây?” Ngày qua ngày, chị giảm các món ăn xuống, khi thì không còn thấy quầy nước uống của chị nữa, hôm nay chị đã bỏ luôn món lẩu khỏi thực đơn, ngày sau chỉ còn thấy chị bán thịt nướng với nắm xôi, bỏ trong vài cái ly nhựa. Chị đã thay ra bộ đồ y tá ngày nào, giờ đây chỉ ăn mặc xuề xoà, tóc tai cũng không chải chuốt, mặt không điểm trang. Chị ngồi trước thềm nhìn vào điện thoại, chốc chốc ngước lên khi có bóng người, đôi mắt buồn vô hạn.

Tôi sợ chạm vào những đôi mắt buồn vô hạn, như ánh mắt sâu thẳm của đầu bếp người Ý, mỗi buổi chiều, đứng lặng yên nhìn ra cửa trông chờ một tiếng chân người, như ánh mắt long lanh của người bán trái cây dạo mong đợi tôi bước qua bên đường để mua một trái xoài, một miếng dưa. Tôi sợ chạm vào sự bất lực của mình, của cái phận con người sao mà nhỏ bé và tầm thường quá đỗi, tưởng mình giỏi đến đâu, ghê gớm như thế nào, đến lúc hoạn nạn cũng không thể làm gì để giúp dù chỉ một phận người, chẳng qua cũng chỉ là sống cho mình mà thôi.

Có bao nhiêu hàng quán, công ty và cơ sở sản xuất đang ngã quỵ dần trong tình trạng bi đát này? Tôi cũng không biết nữa. Số liệu có thể có nhiều, nhưng làm sao có thể kể hết, đếm hết những thân phận vô danh đã buông tay, những cái chết trong thầm lặng. Chỉ riêng mấy tháng đầu năm 2021, tỉ lệ tự tử ở Thái Lan đã tăng 22%. Trong bộ phim tài liệu về đề tài này, nguời tự tử được cứu sống nói rằng: “Tôi không còn việc làm, mỗi ngày chia một gói mì để ăn ba bữa, và không biết ngày mai sẽ sống như thế nào. Tôi không nhận được khoản trợ cấp của chính phủ. Tôi muốn chết để họ (chính quyền) và xã hội thấy được cái chết của tôi, và được giải thoát”. Và có bao nhiêu câu chuyện đã không được kể, vì người đã về thiên cổ rồi.

Tôi đã đặt ra mục tiêu cho mình, là không để mình chết cho đến khi dịch Covid kết thúc. Tôi cố hết sức để cái chết không đến với thân tôi, và cũng cố gắng để tâm hồn mình không chết. Bạn ơi, nếu bạn đang còn được đến trường, hay vẫn có một công việc, vẫn có thu nhập, cơ sở kinh doanh của bạn vẫn tồn tại và vẫn còn có thể gặp gỡ và trò chuyện với những người thương yêu của mình, có thể nhìn ngày mới lên và ngắm nắng chiều đổ vàng trước hiên nhà, thì tôi nghĩ chúng ta đang là những người hạnh phúc nhất trên trái đất này. Ở một thời điểm mà tất cả như trì trệ, vạn sự đang đảo lộn và những dự định tưởng như bị đạp đổ, xin bạn đừng bỏ cuộc, xin đừng chết. Bạn có thể làm rất nhiều thứ ngay cả khi ta không thể đi đâu quá xa khỏi cánh cổng nhà mình, như tập nấu những món ăn ngon, tham gia các khoá học trực tuyến, thi lấy chứng chỉ nghề, chứng chỉ ngoại ngữ, rèn luyện thân thể, như nói thêm lời yêu thương trước khi đi ngủ, và dâng lời cảm ơn cuộc đời mỗi sớm mai thức giấc.

Như câu chuyện về chiếc tàu của Noah, để vượt qua cơn Đại Hồng Thuỷ, chúng ta phải đoàn kết và tin tưởng, tin vào sức mạnh của loài người như không ít lần đã từng vượt qua những tai ương trong lịch sử, tin vào tương lai tươi sáng và tốt đẹp, và nuôi lòng kiên nhẫn chờ cho thử thách qua đi. Bước vào đại hoạ này, chẳng có ai trong chúng ta chuẩn bị trước. Nhưng tôi chúc cho bạn, cho tôi, mỗi người trong chúng ta sẽ tận dụng giai đoạn này như chú sâu dùng thời gian nằm trong kén, dù cho có khó khăn và cực nhọc, vẫn chuyển hoá, vẫn chau chuốt và chú tâm chuẩn bị. Để đến một ngày không xa kia, khi trời quang, nắng đẹp, ta bỗng hoá chú bướm rực rỡ, và lại tung cánh bay giữa đời.


Comments

Popular Posts