Cuốn Passport Không Màu

Đường về quê tôi nếu từ Sài Gòn, đi qua nhiều bờ bãi, ruộng đồng. Nhất là cái đoạn từ Bà Rịa đi xuống là bắt đầu của những ruộng muối trải dài thoai thoải hai bên đường, đan xen với những mảnh ruộng lúa con con và mấy quán cà phê võng, cà phê bụi. Tuyến đường này cũng chẳng có lấy gì làm đặc biệt, đường nhỏ xíu hai làn xe chạy, nếu mà có xe bồn, xe khách cỡ lớn chạy ngang thì nhiều khi khi xe máy, xe đạp phải dạt qua một bên. Cảnh bên đường cũng không có gì hữu tình hay đặc sắc, như đã nói ở trên, vì là ruộng muối, không có cây cối mọc nhiều, lâu lâu trong tầm mắt thấy có vài quả đồi lở lói nép vào bên trong những cánh đồng, quanh năm lúc nào cũng xơ xác, ít khi thấy màu xanh. Chạy trên đường này, ai không phải người địa phương, không quen mặn mòi thì hay nghe tanh tanh trong cánh mũi, không dễ chịu chút nào. Mùi cá cũng không phải, mùi sình lầy cây cỏ cũng không phải tuốt, cũng không biết tả sao cho ra. Chắc gọi là cái mùi của đại dương mắc cạn đi, ừ cái mùi của nước biển không lối thoát, nồng đặm mà bức bối, đáng lẽ phải xênh xang mà tự nhiên gò bó, lềnh bềnh trong những khuông đất xám tro hình chữ nhật. Không hiếm gặp mấy lũ kềnh kềnh, đám cò con chao qua lượn lại kiếm chác cái gì trên những ao nước mặn phân lô vắng vẻ, hao gầy như những dự án treo. Nước mặn có khi nhuộm đỏ cả nền ruộng, có khi trời nắng ác, đất ruộng nứt như những miếng đồng nung đỏ để nguội, toác ra những vết chân chim cằn cỗi làm như đang rên rỉ, đang đay nghiến cái xứ này sao mà đất trời khắc nghiệt ghê quá vậy. Đoạn đường mười bảy cây số đó là khoảng cách giữa Phước Tỉnh và Bà Rịa, mà trong trí non nớt của tôi ngày còn tí hon vịn lưng ba áo mẹ ngồi phía sau xe máy, đó cũng là khoảng cách từ xứ xở quê mùa đến chốn văn minh.


Cô này, tạm gọi là cô Thắm đi, là hàng xóm của ba mẹ tôi trên xóm mới. Nghe đâu cô cảm tình với cậu tôi, nên hay qua nhà chơi với mẹ tôi (Hồi đó tôi không hiểu sao cô thích cậu tôi thì không chơi thẳng với cậu tôi luôn mà lại quằn quèo chơi với mẹ tôi làm chi? Sau này lớn mới hiểu, cái đó gọi là chính trị). Nói sang chơi ở đây chính là sang nói chuyện, kể chuyện mình, chuyện người, mà cô không phải nói chuyện chơi, mà là chuyện thiệt. Cô Thắm kể cô mới đi làm chân kế toán, muốn nâng cao trình độ tiếng Anh, nên cô đang rục rịch đi học tiếng Anh trên Bà Rịa. Nói một hồi, tôi không biết làm sao và vì đâu mà tôi được người lớn sắp xếp theo cô Thắm đi học chung, à mà không phải chung lớp, vì tôi mới mười một tuổi đâu có làm kế toán, cô đi học lớp người lớn, còn tôi đi học lớp con nít. Tôi của lúc đó phấn khởi thì ít, mà ngơ ngác thì nhiều. Nào giờ chữ tiếng Anh dài nhất mà tôi biết là “Con Ti Nu E” (mà tôi hay đọc là Con Ti Tu Ne), do thường xuyên phải bấm vô cái nút có chữ này khi bị thua trong trò chơi đỡ banh đập gạch tôi ghiền trong điện thoại của ba. Đại khái, tôi nghĩ tiếng Anh là một cái gì xịn lắm sang lắm mà phải đi xa lắm tận Bà Rịa mới học được, như cô Uyên cô Ánh tôi kia kìa, cũng phải đi tận Sài Gòn học về mới biết tiếng Anh đấy thôi. Tôi cũng có một chút áp lực không biết cái trình độ mình có học nổi không đây. Nhưng nỗi lo của trẻ con thì không bao giờ kéo dài quá năm giây, thế là mùa hè năm đó, dù có hơi nghĩ ngợi vẩn vơ, tôi vẫn cắp cái thân tôi theo cô Thắm đi học.


Cô Thắm phải đi làm nên ngày nào cũng đón tôi lúc năm giờ mười lăm chiều, có khi trễ hơn. Tôi nhớ lúc đó tôi rất sợ đoạn đường lên Bà Rịa. Cô Thắm chạy xe nhanh lắm, chắc vì cô là người trẻ nên cô chạy xe nhanh hơn hẳn ba mẹ tôi lúc chở tôi, thành ra lúc đi tôi cũng sợ mà lúc về tôi càng sợ hơn. Lớp học bắt đầu lúc năm giờ bốn lăm, nên chắc đó là lý do cô phải chạy tẹt ga để chúng tôi không bị trễ học. Đôi khi tôi muốn ôm cô Thắm vì sợ gió thổi thốc tôi bay ra phía sau mất, nhưng mà vì không thân thiết với cô nên tôi cũng không dám nói hay xin, chỉ dám vịn hờ hai bên túi áo khoác của cô, tim thon thót vì sợ. Đôi khi cô nói chuyện gì đó với tôi lúc chạy xe nhưng tôi ít khi nghe được, vì tiếng gió lúc nào cũng ù ù bên tai, và vì lúc nào tôi cũng thấp thỏm sợ bị tông xe, nên tôi chỉ ú ớ dạ dạ vâng vâng cho xong chuyện (nghĩ lại thấy tôi thật tệ). Lòng tôi cứ phải căng như dây đàn cho đến khi thấy được cái dáng cây điệp già xù xì chỗ góc nhà thờ, nơi ngã rẽ vào trường tiểu học Nguyễn Thanh Đằng, thì mới nghe thở phào nhẹ nhõm. Đường về với tôi còn khủng hoảng hơn, nó có hết những yếu tố đã nói ở trước, cộng thêm trời rất tối, mà đèn đường thì ngọn tỏ ngọn lu. Tôi thường đếm cột đèn đường để tính xem còn bao xa đến nhà, thì thầm trong lòng “a tới cái bảng “Huyện Long Điền” rồi, một xíu nữa là tới cái quán cóc ở Chợ Bến, a cái bùng binh đây rồi, còn một cái bùng binh nữa thôi, a nghĩa trang đây rồi, thế là đầu ngõ rồi, tạp hoá nhà bà Tuyên đây rồi, đến nhà mình rồi!!!!"....

Có những hôm còn cúp điện, đường về tối đen như mực, hoặc trời mưa, hoặc trời vừa mưa vừa cúp điện, gió rên xiết, cây cối bên đường ưỡn ẹo, lắc lư, chiếc xe Cup ốm o của cô Thắm có khi bị gió bạt nghiêng sang một bên, ngọn đèn xe leo lét giữa mông lung như một con đóm đóm lạc đàn. Mấy lúc như vậy tôi chỉ còn biết phó mặc số phận cho Chúa, nhưng kinh sách trong đầu lúc đó cứ gọi là bay biến hết, bên trong tâm hồn bé nhỏ cứ thét lên “xin Chúa cho con về nhà, xin Chúa phù hộ và bảo vệ con”, xong nghĩ kỹ lại, khoan đã cô Thắm cũng cần được phù hộ nữa chứ, vì cô Thắm đang chở mình cơ mà, nên tôi vội bổ sung “…và cô Thắm, được về nhà an toàn”. 

Mùa hè trước khi vào lớp Sáu trôi qua như vậy, ròng rã được gần hai tháng trời (nói vậy thôi chứ một tuần chỉ có hai buổi), cũng nhờ cô Thắm kiên trì và chịu khó, ít khi bỏ buổi học nào, nên dù trắc trở đường xa nhưng tôi đã bập bẹ những con chữ tiếng Anh đầu tiên. Những con chữ lạ lẫm xa xôi ngày đó như những bông hoa dại bung nở trong lòng tôi, mở ra một thế giới mới tràn đầy diệu kỳ và vui thú…


Cũng mùa hè năm đó, tôi đã trở thành con nợ, dù chưa vào cấp hai, và chủ nợ chính là một cụ già nhỏ bé - bà Nội tôi. Điều này không phải chuyện đùa, thậm chí còn có một tờ giấy nợ với chữ ký ngoằn ngoèo của tôi trong tờ giấy, và người làm chứng là cô Uyên (mà với tính của cô Uyên thì chắc tới giờ này tờ giấy này vẫn còn được giữ ngay ngắn đâu đó trong tủ). Nội dung nợ đại khái là “Tôi xin xác nhận có nợ của bà Nội năm trăm đô la Mỹ vào ngày… tháng… năm…. với mục đích là… Tôi xin hứa sẽ trả lại khoản tiền này khi nào đi làm có thu nhập…”. Lúc đó chắc do tôi chưa đủ tuổi, chứ không chắc cô Uyên cũng đem ra phường công chứng rồi. Mà từ bé đến giờ, tôi nợ bà Nội không biết bao nhiêu là thứ, (chỉ là không có cô Uyên ở đấy để ghi giấy nợ lại thôi hihi). Một trong những món nợ nặng đô nhất có lẽ là bánh mì. (Mời bạn đọc “Những Bữa Sáng Màu Nâu”).

Comments

Popular Posts