Lựa Chọn Sống Còn


Công ty cách nhà mình 2.4 km, sáng mình đi tàu, tối đi bộ về. Ngày nào cũng đi bộ từ 10,000 - 12,000 bước, không tính vận động khi tập thể dục buổi sáng. Từ lúc làm việc ở nhà vì dịch Covid-19 đến giờ mình lên 3 kg, cơ thể thường xuyên đau nhức, đầu óc không sảng khoái. Dù cố gắng tập thể dục và yoga mỗi buổi sáng, tình hình cũng không khá hơn là mấy, cơ thể chỉ đỡ nhức mỏi nhưng tinh thần thì ít khi nào phấn chấn.

Một đêm nọ, nhức mỏi quá không ngủ được mình lọ mọ bò dậy, mới 4 giờ sáng. Chẳng biết làm gì, mình lấy thảm ra, mở cửa ban công và giếng trời cho thông thoáng khi rồi tập yoga, tập xong đỡ nhức mỏi hẳn. Mới 5 giờ sáng, mình “lên đồ”, mang giày vào, đi bộ ở những con đường gần chung cư. Như bao buổi sáng khác, đường phố còn lặng im, dân cư Bangkok vẫn đang say ngủ, qua lớp khẩu trang, mình cố gắng hít lấy hít để cái bầu khí trong lành hiếm có, chưa lẫn mùi khói xe, mùi thức ăn, mùi người, cố gắng đi gần các bụi cây cảnh những khu chung cư gần đó, đi cạnh công viên đầy cây mà đã đóng cửa im ỉm gần hơn năm nay. Cả đi cả về là 3.5 cây số, khoảng 5.000 bước chân, nhưng nó đã thay đổi cục diện của một ngày. Thay vì ngủ vùi, 7h sáng mình tắm gội, mở nhạc Jazz, nhâm nhi li nước giấm táo, sơ chế thức ăn cho bữa trưa, đọc quyển sách giang giở từ năm ngoái, gọi một cuộc gọi ngắn cho gia đình. Mình vẫn còn dư thời gian để bắt đầu công việc sớm hơn, và như vậy cũng có nghĩa là kết thúc nó sớm hơn. Nghĩa là mình có nhiều thời gian hơn vào buổi tối để nấu nướng, học tập và xem thêm, đọc thêm, và dành thời gian cho người thân.

Gần đây, mình đổi sang đi bộ quanh hồ bơi, nhảy dây, đánh cầu lông ở khoảng sân thông gió của chung cư. Nắng chan hoà, không khí luân chuyển, cây xanh reo vui trong gió và trái tim bắt đầu đập, các cơ bắp được sử dụng, những cơn đau được giải phóng hoàn toàn. “Woah! Thế này mới là sống!” - Mình đã thốt lên như vậy khi lâu rồi mới cảm nhận được cơ mông và bắp chân của mình nẩy lên khi đang nhảy dây!

Dạo này, mỗi ngày mình đều nghe hoặc đọc được tin chết chóc, vì mắc Covid là nhiều, mà chưa mắc Covid đã chết cũng rất nhiều. Trước thời hoàng kim của Covid, ung thư, tiểu đường, béo phì, đột quỵ, tim mạch, nghiện rượu, trầm cảm, tự sát cũng đã là những lưỡi hái cướp mạng người. Nhưng tại sao đến khi thấy cái cảnh những hũ tro cốt được giao lổn ngổn trong một cái két nhựa như những trái dừa tươi, mình mới thấm thía đến thế, rằng cuộc đời là vô thường, và sự sống thật mong manh. Trút hơi thở, rồi thân xác hoá ra tro, và thế là hết. Bao nhiêu hận thù, đấu đá, niềm vui, nỗi buồn, thất bát hay thành tựu cũng thành con số 0. Bao nhiêu tiếc thương hay nước mắt của những người ở lại cũng chẳng thay đổi được gì.

Nếu sống trong bất động, sợ hãi từng giây phút, nằm bẹp một chỗ, có khác gì đã chết? Sống thoi thóp trong những trại cách ly, những bệnh viện bệ rạc, chơi trò đỏ đen với số phận, thì khác gì đã chết? Cái chết trong tâm hồn còn đáng sợ hơn cái chết của thể xác, vì nó ám ảnh, kéo dài, đày đoạ cảm xúc và làm cho thân xác khổ sở. Nếu ngày mai mình mắc Covid rồi chết, thì ký ức cuối về những ngày sống sẽ là sự hoang mang, hoảng loạn, bối rối và thù hận mà thế giới đang ấp ôm, ký ức về những ước muốn giang dở, những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực, vậy có ích gì?

Jesus nói với các môn đệ “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện” . Đúng vậy, cần phải “Tỉnh thức” để đón một cơn gió Nam mát lành, nhìn một cái cây vươn mình trong nắng, nhìn một con chim én liệng qua bầu trời. “Tỉnh thức” để nghe hơi thở, cảm nhận được luồng khí trong tràn vào buồng phổi khoẻ mạnh, để biết ơn sự nhiệm màu của thân thể và trân trọng sức khoẻ của mình. “Tỉnh thức” để nhận diện được rằng dù cơn dịch có khốn khó thể nào, những hy vọng vẫn luôn còn đó, như cái thiện các ác, tốt và xấu, ánh sáng và bóng tối, thiên đàng và địa ngục luôn luôn tồn tại song song mà không thể phủ định nhau.

“Tỉnh thức” là một lựa chọn sống còn, mà nó chỉ có thể bắt đầu khi ta “thức” dậy.

Comments

Popular Posts